NHIỀU DOANH NGHIỆP NGÀNH NHỰA SẼ THOÁT THUẾ MÔI TRƯỜNG


(TBKTSG Online) - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành nhựa kêu về thuế bảo vệ môi trường – vốn được cho một trong những nguyên nhân làm gia giá thành sản phẩm khiến khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu, sắp tới đây sẽ phần nào được tháo gỡ theo một nghị định của Chính phủ vừa mới ban hành.

 Việc áp dụng Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó đáng chú ý là thuế đánh vào túi ni lông (có hiệu lực từ ngày 1-1-2012) áp dụng trong thời gian qua được cho là chưa hợp lý, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn và có thể phải thu hẹp sản xuất.
 Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng không thể định hướng phát triển sản xuất - kinh doanh trong tương lai, do sản phẩm bao bì nhựa chưa thống nhất được tiêu chí đâu là sản phẩm thân thiện môi trường mà theo Luật Thuế BVMT, túi ni lông là không thân thiện với môi trường và phải đóng thuế lên đến 40.000 đồng/kg.

Các siêu thị hiện nay cũng ý thức hạn chế sử dụng túi ni lông cung cấp cho khách hàng thay bằng túi thân thiện môi trường, Trong ảnh một người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện môi trường của siêu thị Co.opMart - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Nghị định số 69/2012 của Chính phủ vừa ban hành vào trung tuần tháng 9 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 67/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế BVMT, có hiệu lực thi hành kể từ giữa tháng 11-2012.

Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa (kể cả có hình dạng túi và không có hình dạng túi), bao gồm:

               1 - Bao bì đóng gói sẵn hàng hóa nhập khẩu;
               2 - Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất hoặc nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.
               3 - Bao bì mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua trực tiếp của người sản xuất hoặc người nhập khẩu để đóng gói sản phẩm do tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó sản xuất, gia công ra hoặc mua sản phẩm về đóng gói hoặc làm dịch vụ đóng gói.

Theo đó, túi ni lông thuộc diện chịu thuế (túi nhựa) quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật thuế BVMT là loại túi, bao bì nhựa mỏng có hình dáng túi (có miệng túi, có đáy túi, có thành túi và có thể đựng sản phẩm) được làm từ màng nhựa đơn HDPE (High Density Polyethylene Resin), LDPE (Low Density Polyethylen) hoặc LLDPE (Linear Low Density Polyethylene Resin), trừ bao bì đóng gói sẵn hàng hóa và túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiên với môi trường theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Với quy định và hướng dẫn mới này, theo bà Huỳnh Thị Mỹ, Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam, thì được hiểu rằng chỉ có túi ni lông có hình dạng túi (túi nhựa xốp) thông thường dùng để chứa đựng hàng hóa cho khách hàng mua sắm là bị đánh thuế BVMT.

Tuy nhiên bà Mỹ cũng cho biết những doanh nghiệp sản xuất dạng túi ni lông này cũng được gỡ phần nào ở Thông tư số 07/2012 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận túi ni lông thân thiện với môi trường không phải chịu thuế.

Đó là loại túi có một trong hai đặc tính kỹ thuật như có độ dày một lớp màng lớn hơn 30 µm (micrômét), kích thước nhỏ nhất lớn hơn 20 cm và tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu túi ni lông phải có kế hoạch thu hồi, tái chế và loại túi này có khả năng phân hủy sinh học tối thiểu 60% trong thời gian không quá 2 năm.

Với quy định này, theo bà Mỹ, hiện nay một số doanh nghiệp trong ngành nhựa trong nước đã sản xuất các loại túi ni lông có thể đáp ứng được.

Một số doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có sử dụng túi ni lông do doanh nghiệp trong nước sản xuất cho rằng với nghị định mới này thì sản phẩm của họ xuất khẩu cũng sẽ cạnh tranh hơn. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu này, mặc dù quy định sản phẩm xuất khẩu không phải chịu thuế môi trường túi ni lông, nhưng nhà cung cấp túi ni lông nội địa phải chịu thuế. Điều này chẳng khác nào các nhà xuất khẩu cũng phải chịu thuế môi trường vì nhà cung cấp túi ni lông sẽ đưa phí thuế đó vào giá thành sản phẩm cung cấp cho họ.

Theo nguồn: Quốc Hùng -TBKTSG Online